Thứ ba, 03/12/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 03/12/2024 Thông tin điện tử

Chủ nhật, 12/05/2024

Chung tay đưa ngành game Việt đến hành trình tỷ USD

“Năm ngoái, chúng ta đã ước mơ ngành game Việt đạt tỷ USD. Năm nay, chúng ta cần cùng chung tay để biến giấc mơ thành hiện thực”.

Chia sẻ trên được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đưa ra tại diễn đàn Game Việt Nam 2024, trong khuôn khổ Ngày hội Game Việt Nam.

Muốn đạt được doanh thu tỷ USD, ngành game Việt cần sự chung tay. Ảnh: Lê Mỹ

Theo ông Lê Quang Tự Do, để ngành công nghiệp game Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD đến năm 2030, cần nhất phải xây dựng nền tảng cho tốt, mà đầu tiên là vấn đề đào tạo.

Năm 2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với các đơn vị để triển khai đào tạo ngành game theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là phối hợp cùng Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam đào tạo chính quy bậc đại học ngành game; Hướng thứ hai là hợp tác với tổng công ty VTC để đào tạo các chương trình cho người làm nghề.

Thứ hai là câu chuyện về chính sách mới cho game, khi trước đây nhiều người nhìn nhận game là ngành nghề cần hạn chế, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế phát triển. Tuy nhiên, đây là quan điểm không đúng.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong một năm qua, Bộ TT&TT đã cùng với các doanh nghiệp trong Liên minh Game Việt Nam thuyết phục được Chính phủ không đưa điều khoản đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho game vào Luật Thuế sửa đổi. Đồng thời, chỉ ra đây là một ngành cần được khuyến khích, bồi dưỡng và cần có các ưu đãi để phát triển. Chính phủ đã không những bỏ ngành game ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà còn giao Bộ TT&TT đưa ra chiến lược phát triển ngành game để được hưởng các ưu đãi về thuế.

Nền tảng thứ ba để phát triển ngành game đó là kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, các nhà làm chính sách đã thuyết phục các đối tác như Google, Meta... đến sự kiện Vietnam GameVerse để thấy sự phát triển.

Cuối cùng, Bộ TT&TT cũng phối hợp với các đơn vị, đưa ra các chiến dịch truyền thông để phá bỏ định kiến xã hội về ngành game. Đây không phải là thứ gây nghiện mà là ngành tạo ra thu nhập, doanh thu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng có những giải pháp hiệu quả để hạn chế những mặt trái của game.

Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, hành trình game Việt đang ở bước đầu nhưng đã qua giai đoạn khó khăn. Đây là thời cơ để tăng tốc.

"Năm ngoái, chúng ta đã ước mơ ngành game Việt đạt tỷ USD. Năm nay, chúng ta cần cùng chung tay để biến giấc mơ thành hiện thực", ông Lê Quang Tự Do nói.

Mục tiêu của các doanh nghiệp game Việt là đưa ra các sản phẩm tốt phục vụ đông đảo game thủ. Ảnh: Lê Mỹ

Bà Emily Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường game thế giới.

Theo đó, ngành game có sự thay đổi rõ ràng từ định hướng của Chính phủ đến sự thấm nhuần của các cơ quan, đơn vị. Chính điều này giúp ngành game có những bước thay đổi to lớn.

Đại diện Google dẫn chứng qua các con số như Việt Nam lọt top 5 lượt tải game trên toàn thế giới, là quốc gia có số lượng lập trình game xếp thứ hạng cao với 35.000 nhà phát triển, xấp xỉ Trung Quốc. Đội ngũ lập trình game tại Việt Nam trẻ, khả năng kỹ thuật cao, có trình độ cao trong các bộ môn như phân tích toán học, lập trình...

Một lợi thế nữa là giá để phát hành một game không quá cao, chi phí nhân công lao động giúp tạo ra sự cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, các công ty game Việt có khả năng nắm bắt xu hướng tốt, cho ra đời những game theo nhu cầu thị trường. Chẳng hạn như giai đoạn Covid-19, các đơn vị liên tục phát hành nhiều dòng game đáp ứng nhu cầu giải trí tại nhà, giúp tăng lượt tải của game Việt trên toàn cầu.

Để xây dựng hệ sinh thái game thành công, các doanh nghiệp cần nhận được nhiều sự hỗ trợ. Ảnh: Lê Mỹ

Theo bà Emily Nguyễn, để xây dựng hệ sinh thái game thành công, Google cho rằng cần có nhiều yếu tố như Nhà nước, thu hút nhân tài, vốn.

Trong đó, quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở nhiều quốc gia như Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, chính phủ hỗ trợ nhiều để phát triển ngành game. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị thị trường là 1,8 tỷ USD, các nhà phát triển được giảm thuế; Studio khởi nghiệp được miễn thuế, được hỗ trợ 60% vốn đầu tư các công cụ sản xuất, được tiếp cận các công nghệ phân tích kỹ thuật...

Tại Việt Nam, ngành game hiện đã được quan tâm, có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Games, cho rằng ngành game Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, thể hiện qua các số liệu mà Google đã chia sẻ. Nhưng phải thừa nhận, vòng đời các sản phẩm tương đối ngắn và chưa có sản phẩm tầm cỡ thế giới.

Game là một ngành cần được hỗ trợ, nâng niu và hưởng các ưu đãi để phát triển. Ảnh: Lê Mỹ

Tuy nhiên, đây là điều dễ hiểu, ngành game Việt không thể đột ngột xuất hiện các công ty lớn tầm cỡ như Riot hay Tencent được, mà cần có quá trình phát triển từng bước. Chẳng hạn, Vietnam GameVerse cũng là một bước để xây dựng nền tảng cho ngành.

Các doanh nghiệp game Việt cần làm tốt hơn để có thể tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị, xuất khẩu và cung ứng game toàn cầu. Vấn đề quan trọng để phát triển ngành game đến từ tầm nhìn của những người đứng đầu các tổ chức. Để thành công, các đơn vị trong ngành game cần có những sản phẩm được cộng đồng thừa nhận.

Ông Lã Xuân Thắng cho rằng, tiền bạc không phải là yếu tố đầu tiên để phát triển ngành game, mà là thành quả ngành này gặt hái được khi thành công. Các đơn vị trong ngành đều khát khao tìm những sản phẩm tốt cùng đồng hành, phục vụ người Việt Nam; trước mắt là kiếm tiền, nhưng khát vọng lớn hơn chính là được công nhận trên quy mô toàn cầu.

Game trước mắt cần làm hài lòng người chơi, mục tiêu sau đó là vươn ra toàn cầu. Ảnh: Lê Mỹ

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC, các studio sản xuất game Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội để phát triển. Họ có sự đồng hành của Chính phủ, nhưng đây cũng là áp lực, khi được công nhận thì đòi hỏi những người làm game phải làm tốt hơn.

Giải pháp được ông Nguyễn Ngọc Bảo đưa ra là các studio cần có sự liên kết để cùng nhau thực chiến. Từ những kinh nghiệm thực chiến mới đúc kết ra bài học. Bài học này là nền tảng hỗ trợ các cơ sở đào tạo để đặt nền móng cho ngành game. 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo tin rằng Bộ TT&TT sẽ dẫn dắt ngành game ngày càng lành mạnh. Đó là định hướng lớn nhất trong năm nay và là tiền đề để game Việt đặt mục tiêu tỷ USD trong tương lai.

Nguồn https://vietnamnet.vn/cung-chung-tay-de-dua-nganh-game-viet-den-hanh-trinh-ty-usd-2279806.html